Văn hóa cúi chào trong giao tiếp
Trong tiếng Nhật, văn hóa cúi chào được gọi là ojigi. Đây là cách người Nhật dùng để thể hiện sự tôn trọng lẫn nhau, hoặc để chào hỏi, cảm ơn, xin lỗi và khi cần nhờ sự giúp đỡ. Cũng như nhiều quốc gia châu Á khác, xã hội Nhật Bản rất trọng thứ bậc, tôn ti trật tự. Đây là một yếu tố rất quan trọng trong giao tiếp – đầu càng cúi thấp, càng thể hiện được sự tôn trọng, lòng biết ơn hay sự trang trọng của bản thân.
5 cách cúi chào của người Nhật
Có tất cả năm cách cúi chào, mỗi cách được sử dụng tùy thuộc vào từng tình huống, độ tuổi, bối cảnh xã hội khác nhau. Cách chào thứ nhất là gật đầu nhẹ khi chào hỏi bạn bè, những người kém tuổi hay cấp dưới ở nơi làm việc. Cách thứ hai là eshaku, khi chào đầu sẽ cúi 15 độ, dùng để chào những người có quen biết nhưng không quá thân thiết. Thứ ba là keirei, là một cách chào trang trọng thể hiện sự tôn trọng với người lớn tuổi hoặc với sếp, ông chủ của bạn. Cách chào thứ tư là cúi chào 45 độ, gọi là saikeirei, được sử dụng khi muốn bày tỏ lòng thành kính và biết ơn sâu sắc.
Cuối cùng là dogeza, khi chào sẽ quỳ gối xuống đất, đầu cúi thấp. Dogeza được sử dụng khi gặp một người có địa vị cao hoặc khi một người đã phạm phải sai lầm rất nghiêm trọng và muốn bày tỏ lời xin lỗi. Đôi khi người Nhật cũng cúi chào kiểu dogeza khi muốn xin một đặc ân từ ai đó.
Nghi thức xã giao này cho thấy người Nhật đã hòa trộn một cách vô cùng tinh tế những đức hạnh cổ xưa như sự tôn trọng, lòng thành kính, biết ơn và nét hiện đại của một xã hội phát triển bậc nhất thế giới, để rồi đưa nó thành một loại hình nghệ thuật mang bản sắc đặc trưng trong văn hóa giao tiếp của người Nhật.
Văn hóa giao tiếp bằng mắt
Trong văn hóa giao tiếp người Nhật, khi nói chuyện mà nhìn thẳng vào người đối thoại thì bị xem như là một người thiếu lịch sự, khiếm nhã và không đúng mực.
Người Nhật thường tránh nhìn trực diện vào người đối thoại. Họ thường nhìn vào một vật trung gian như caravat, một cuốn sách, đồ nữ trang, lọ hoa…, hoặc cúi đầu xuống và nhìn sang bên.
Vẫy tay khi gọi ai đó
Khi ai đó gọi bằng cách vẫy tay, nên để tay thẳng lòng bàn tay hướng xuống, sao đó quạt các ngón tay xuống, việc cong một vài ngón tay trong không khí được coi là cử chỉ tục tĩu.
Sẽ là một lỗi trong giao tiếp nếu chỉ tay trực tiếp vào người khác, thay vào đó ta mở rộng bàn tay ngửa lên như đang bưng một cái mâm và chỉ về phía người đó.
Văn hóa giao tiếp “gật đầu”
Khi người Nhật lắng nghe người khác nói, họ có những nụ cười, cái gật đầu và những câu chữ lịch sự mà ta sẽ không thể tìm thấy trong các ngôn ngữ khác.
Họ có ý khuyến khích bạn tiếp tục câu chuyện nhưng điều này thường bị người phương Tây và người châu Âu hiểu nhầm rằng họ đồng ý. Gật đầu là một dấu hiệu rất phổ biến thay cho “Yes”, nhưng đối với người Bulgari, điệu bộ này có nghĩa là “No”, còn đối với người Nhật, nó chỉ thuần túy thể hiện phép lịch sự.
Sự im lặng trong văn hóa giao tiếp của người Nhật
Người Nhật có khuynh hướng nghi ngờ lời nói và quan tâm nhiều đến hành động, họ sử dụng sự im lặng như một cách để giao tiếp và họ tin rằng nói ít thì tốt hơn nói quá nhiều. Trong buổi thương thảo, người có vị trí cao nhất thường ít lời nhất và những gì anh ta nói ra là quyết định sau cùng, im lặng cũng là cách không muốn làm mất lòng người khác.
Thường thì người Nhật giải thích ít những gì họ ám chỉ và những câu trả lời thì cũng rất mơ hồ. Họ không bao giờ nói “không” và họ cũng chẳng nói cho biết rằng họ không hiểu. Họ thường thể hiện sự im lặng nhiều hơn vì họ muốn hành động hơn là sử dụng lời nói. Nếu cảm thấy bất đồng hoặc không thể làm những yêu cầu của người khác họ thường nói “điều này khó”.
Người Nhật rất chú trọng làm sao cho người đối thoại cảm thấy dễ chịu. Họ không bao giờ muốn làm phiền người khác bởi những cảm xúc riêng của mình, cho dù trong lòng họ đang có chuyện đau buồn nhưng khi giao tiếp với người khác họ vẫn mỉm cười. Vì vậy chuyện bạn nên làm khi cảm thấy họ quá im lặng khi giao tiếp chính là dùng biểu cảm của mình nhiều hơn, hoặc bắt chuyện với họ một cách lịch sự nhất có thể.